Một số chuyên gia đã đề cập rằng âm nhạc là một cách tuyệt vời để thu hút sự chú ý, giúp chúng nhớ các từ vựng mới mà không bị khô cứng. Đối với người lớn, việc học tiếng Anh qua âm nhạc không được khuyến khích sử dụng làm phương pháp chính (do từ vựng, phát âm bị biến thể nhiều), nhưng với trẻ em thì lại khác. Bản chất học ngôn ngữ chính là sự bắt chước, lặp lại. Và âm nhạc chính là công cụ có thể giúp chúng ta “nghiện” và cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, từ đó ghi nhớ từ tốt hơn. Những bài hát tiếng Anh cho trẻ em cũng được điều chỉnh sao cho phát âm tròn vành rõ chữ hơn để trẻ bắt chước theo. “Baby Shark” là một ví dụ cụ thể.
Bạn nên khuyến khích con bạn sử dụng tiếng Anh trong khi chơi, và có thể chủ động chơi với trẻ bằng các trò chơi tiếng Anh. Ở nhà, bạn có thể cùng còn chơi đố chữ và các trò chơi phổ biến khác trong khi nói bằng tiếng Anh. Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều bộ trò chơi giúp trẻ vừa giải trí vừa rèn luyện ngôn ngữ, bạn có thể tìm đến chúng nếu “bí” ý tưởng bày ra trò chơi cho con. Hãy giúp em “vui chơi” với tiếng Anh thay vì “học” tiếng Anh nhé.
Để học một ngôn ngữ hiệu quả, hãy làm cho quá trình học tập tự nhiên nhất có thể. Đừng coi tiếng Anh là môn học mà hãy đưa nó vào các hoạt động hàng ngày như cách bạn làm với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trong khi tô màu, hãy gọi tên các màu bằng tiếng Anh, trong khi nhảy, hãy lặp lại tên của các động tác bằng tiếng Anh, v.v. Hay thậm chí, đôi khi bạn cầm một đồ vật, bạn nói bằng tiếng Anh, giải thích nghĩa bằng tiếng Việt để trẻ ghi nhờ. Bằng cách này, tiếng Anh sẽ len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của trẻ và ở đó lâu dài.
Với những trẻ lớn hơn, đã bắt đầu có nhận thức và hiểu biết về thế giới xung quanh, truyện tranh bằng tiếng Anh có thể là một bước tiến tuyệt vời để đọc tiếng Anh một cách độc lập. Truyện tranh có thể làm tăng khả năng suy luận ở trẻ nhỏ bằng cách khuyến khích chúng “hiểu ẩn ý” và suy ra ý nghĩa từ các câu chuyện. Trẻ em đọc truyện tranh thường cần suy luận những gì không được viết bởi người kể chuyện, từ đó câu chuyện đó khắc sâu và tâm trí của bé hơn. Không biết chắc nên bắt đầu từ đâu thì hãy ra nhà sách. Có rất nhiều những câu chuyện về bài học hàng ngày trong cuộc sống bằng tiếng Anh vừa dễ đọc, dễ hiểu lại dễ tìm.
Điều cuối cùng và quan trọng nhất, không ngừng động viên trẻ khi trẻ có tiến bộ, khi trẻ hoàn thành một mốc nào đó trong quá trình học tiếng Anh. Động viên là một cú hích tinh thần giúp cho trẻ sẽ hăng hái tiếp thu kiến thức mới tốt hơn, không dễ nản chí trước những bài học khó.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp cho bạn có được quyết định đúng đắn khi quyết định cho con mình học tiếng Anh từ sớm nhé.